Thời trẻ Lưu_Tống_Hiếu_Vũ_Đế

Lưu Tuấn sinh ngày Canh Ngọ tháng 8 năm Nguyên Gia thứ 7 (tức 19 tháng 9 năm 430) và là con trai thứ ba của Văn Đế. Mẹ ông tên là Lộ Huệ Nam, bà không phải là phi tần được Văn Đế sủng ái, và Lưu Tuấn cũng không được vua cha quá yêu mến. Do mẹ ông không được sủng ái, bà phần lớn đi theo ông thay vì ở trong hoàng cung tại kinh thành Kiến Khang.

Năm Nguyên Gia thứ 12 (435), Lưu Tuấn được lập làm Vũ Lăng vương (武陵王), thực ấp 2.000 hộ.

Năm Nguyên Gia thứ 16 (439), Lưu Tuấn được phong làm Đô đốc Tương châu (nay là Hồ Nam) chư quân sự, Chinh lỗ tướng quân, lại kiêm Tương Châu Thứ sử, trấn giữ Thạch Đầu. Năm Nguyên Gia thứ 17 (440), Lưu Tuấn được chuyển chức làm Sử trì tiết; đô đốc Nam Dự, Dự, Tư, Ung, Tịnh ngũ châu chư quân sự; Nam Dự châu thứ sử, vẫn là tướng quân, và vẫn trấn giữ Thạch Đầu như cũ. Năm Nguyên Gia thứ 21 (444), ông được thăng làm đốc Tần châu, tiến hiệu là Phủ quân tướng quân. Năm sau, ông được chuyển sang làm đô đốc Ung, Lương, Nam-Bắc Tần tứ châu, Kinh châu chi Tương Dương, Cánh Lăng, Nam Dương, Thuận Dương, Tân Dã, Tùy lục quận chư quân sự; Ninh Man hiệu úy; Ung châu (雍州, nay là tây bắc bộ Hồ Bắc và tây nam bộ Hà Nam) Thứ sử; Trì tiết; vẫn là tướng quân như cũ. (Ung là một châu quan trọng về mặt quân sự do có biên giới với Bắc Ngụy kình địch.) Khi Văn Đế quan tâm đến việc lấy lại các châu bị mất cho Bắc Ngụy dưới thời gian trị vì của Thiếu Đế, Ung châu được coi là một nơi then chốt.[1]

Năm Nguyên Gia thứ 25 (448), Lưu Tuấn được chuyển sang đảm nhiệm đô đốc Nam Duyện, Từ, Duyện, Thanh, Ký, U lục châu, Dự châu chi Lương quận chư quân sự; An Bắc tướng quân; Từ châu (nay là bắc bộ Giang Tô và bắc bộ An Huy) thứ sử; trì tiết như cũ; trấn thủ Bành Thành. Sau đó, Văn Đế lại hạ chiếu cho Lưu Tuấn giữ thêm chức Duyện châu thứ sử, Nhị hoàng tử là Thủy Hưng vương Lưu Tuấn giữ chức Nam Duyện châu thứ sử, do vậy triệt tiêu chức đô đốc Nam Duyện châu của ông.[1]

Năm Nguyên Gia thứ 27 (450), cuộc bắc phạt của Văn Đế bị Bắc Ngụy Thái Vũ Đế Thác Bạt Đảo đẩy lui, quân Bắc Ngụy tiếp đó đã tấn công phương Nam để trả đũa và nhanh chóng tiếp cận Bành Thành. Tháng 3 ÂL, Văn Đế chiếu lệnh cho Lưu Tuấn lĩnh binh tiến về phía bắc tập kích quân Bắc Ngụy của Vĩnh Xương vương Thác Bạt Chân tại Nhữ Dương. Lưu Tuấn thu thập ngựa trong vòng trăm dặm được 1.500 con, phân làm 5 cánh quân tấn công, quân Bắc Ngụy không phòng bị nên chiến bại. Tuy nhiên, sau đó quân Bắc Ngụy dò xét được quân Lưu Tống không có viện quân nên tiến hành phản công, quân của Lưu Tuấn đại bại. Sau thất bại này, ông bị giáng hiệu làm Trấn quân tướng quân vào ngày Nhâm Tý (22) tháng 4 (19 tháng 5).[2]

Ngày Nhâm Tý (26) tháng 11 cùng năm (14 tháng 1 năm 451), quân Bắc Ngụy tiến đến Bành Thành, trong khi đó chú của Lưu Tuấn là Giang Hạ vương Lưu Nghĩa Cung (劉義恭) muốn từ bỏ Bành Thành. Tuy nhiên, theo đề xuất của An Bắc trưởng sử-Phái quận thái thú Trương Sướng (張暢), Lưu Tuấn vẫn nhất định trấn thủ Bành Thành, và Lưu Nghĩa Cung đã từ bỏ kế hoạch chạy trốn.[2] Thái Vũ Đế sau đó tuy chưa chiếm được Bành Thành song tiếp tục tiến về phía nam và đã đến được Trường Giang trước khi rút lui vào năm sau. Mặc dù giữ được Bành Thành, Lưu Tuấn bị giáng làm Bắc trung lang tướng vào ngày Tân Tị tháng 2 năm Tân Mão (13 tháng 4 năm 451). Trong cuộc chiến này, theo xúi giục của Lưu Tuấn, thái tử Lưu ThiệuHà Thượng Chi (何尚之), Văn Đế ban chết cho em là Lưu Nghĩa Khang[3].

Năm Nguyên Hy thứ 28 (451), Lưu Tuấn được bổ nhiệm làm đốc Nam Duyện châu, thứ sử Nam Duyện Châu (南兗州, nay là trung bộ Giang Tô). Sau đó, ông chuyển sang đảm nhiệm chức đốc Giang châu, Kinh châu chi Giang Hạ, Dự châu chi Tây Dương, Tấn Hy, Tân Thái tứ quận chư quân sự; Giang châu(江州, nay là Giang TâyPhúc Kiến) thứ sử; Nam trung lang tướng; sứ trì tiết như cũ.[1].